Lẩu cua là một món ăn ngon, bổ dưỡng, được nhiều người ưa chuộng. Nổi bật với hương vị ngọt ngào, thanh mát từ nước dùng, lẩu cua để lại ấn tượng khó quên trong lòng mọi thực khách. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu cách nấu lẩu cua đồng thơm ngon!
Những lợi ích của lẩu cua đối với sức khỏe
Lợi ích của cua đồng
Cua đồng là một món ăn dinh dưỡng giàu đạm và canxi. Bên cạnh đó, nó cũng có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe.
- Thanh nhiệt cơ thể: Cua đồng có vị mặn và tính hàn. Chúng sẽ giúp giải nhiệt cơ thể hiệu quả. Vì vậy, cua đồng thường được sử dụng chế biến các món ăn để thanh nhiệt. Những món ăn này đặc biệt phổ biến trong những ngày hè oi bức.
- Ngăn ngừa loãng xương và còi xương: Cua đồng có tác dụng trị còi xương ở trẻ em và ngăn ngừa loãng xương ở người lớn tuổi. Theo y học hiện đại, trong cua đồng chứa nhiều chất canxi photphat giúp ngăn chặn hoặc điều trị nồng độ canxi huyết thấp.
- Hỗ trợ làm lành vết thương: Người ta sử dụng cua đồng giã nát, đun sôi với rượu rồi lấy bã đắp vào chỗ bị thương. Điều này giúp chữa các vết thương đụng dập và lở loét.
Lưu ý: Cua đồng chứa rất nhiều dinh dưỡng và có tác dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta không nên ăn lẩu cua nhiều và liên tục trong thời gian ngắn. Vì điều này có thể dẫn đến cơ thể chúng ta bị dư thừa lượng chất đạm. Bạn có thể ăn khoảng 300-400g/ lần và từ 1-2 bữa trong tuần.
Nguyên liệu của lẩu cua
Nguyên liệu cho món lẩu cua
- Cua đồng tươi sống: khoảng 300-400g
- Xương ống: khoảng 150-200g
- Thịt bò tươi: khoảng 200-300g
- Đậu hũ: 3 miếng
- Cà chua
- Các loại rau, củ nhúng lẩu: mồng tơi, mướp, rau muống bào,…
- Các loại gia vị: Muối, hạt tiêu, nước mắm, đường, hạt nêm, bột ngọt, dầu ăn, hành tím, hành lá, tỏi, sả, gừng
Mẹo nhỏ: Bạn nên chọn mua những nguyên liệu tươi ngon để làm tăng hương vị đậm đà cho nồi lẩu cua đồng.
Sơ chế nguyên liệu
Sơ chế cua đồng
Sơ chế cua
Bước 1: Làm sạch cua đồng
- Cho cua đồng đã mua vào một chậu nước sạch. Thêm vài muỗng cà phê muối vào chậu và lắc mạnh cua nhiều lần để làm sạch chất bẩn còn bám trên cua.
- Vớt cua ra rổ và để ráo nước.
Bước 2: Tách cua
- Sau khi cua ráo nước, tách bỏ phần mai cua để lấy phần gạch cua cho vào bát riêng.
- Tách bỏ phần yếm cua.
Bước 3: Xay hoặc giã cua
- Mang phần thân cua còn lại đi xay nhỏ hoặc giã nhuyễn. Để tận dụng tối đa phần thân cua, bạn nên xay cua bằng máy xay sinh tố.
Bước 4: Lọc nước cua
- Cho phần thân cua đã xay vào 2 lít nước sạch và bóp nhuyễn.
- Lọc qua rây để lấy phần nước cua, loại bỏ phần bã.
Sơ chế các nguyên liệu khác
Sơ chế các nguyên liệu khác
Xương ống
- Rửa sạch xương ống và chặt thành từng khúc.
- Chần qua nước sôi khoảng 5 phút để khử mùi hôi, sau đó vớt ra để ráo.
Thịt bò
- Rửa thịt bò dưới vòi nước lạnh để loại bỏ bụi bẩn và máu thừa.
- Có thể rửa bằng nước muối loãng để khử mùi.
- Thái thịt bò thành từng lát mỏng.
- Ướp thịt bò với gia vị khoảng 20 phút. Gia vị bao gồm: 2 muỗng tỏi và gừng xay nhuyễn, ½ muỗng hành phi thơm, ½ muỗng tỏi phi thơm.
Cà chua
- Rửa sạch cà chua và thái múi cau.
Đậu hũ
- Cắt đậu hũ thành từng miếng vừa ăn.
- Rán đậu hũ trong chảo dầu nóng đến khi vàng giòn.
Hành tím, tỏi, hành lá
- Hành tím dùng 4 củ, bóc vỏ, 2 củ đập dập, 1 củ thái lát mỏng, 1 củ xay nhuyễn.
- Tỏi cần khoảng 3 củ, bóc vỏ và xay nhuyễn.
- Hành lá rửa sạch và cắt nhỏ.
Sả và gừng
- Sả rửa sạch, lấy một nửa cắt thành từng khúc và nửa còn lại đập dập.
- Gừng lấy 1 củ, gọt vỏ, rửa sạch và xay nhuyễn.
Rau, củ nhúng lẩu
- Rau mồng tơi lặt lá, rửa sạch và để ráo nước.
- Mướp gọt vỏ, cắt miếng vừa ăn, rửa sạch và để ráo nước.
- Rau muống nhặt lá, bào thành sợi mỏng, rửa sạch và để ráo nước
Chế biến nước lẩu
Nấu nước dùng cua
Nấu nước dùng từ xương ống
Cho xương ống vào nồi ninh cùng 2 lít nước, thêm 2 củ hành tím đã đập dập vào nồi. Đun sôi khoảng 3 tiếng với lửa nhỏ để lấy nước dùng.
Xào gạch cua
Đổ dầu vào chảo, đợi đến khi chảo dầu nóng. Cho hành tím đã cắt nhỏ và tỏi băm vào chảo phi thơm lên. Thêm phần gạch cua đã lọc được trước đó vào xào đến khi gạch cua sệt lại rồi tắt bếp.
Xào gạch cua trên chảo dầu
Xào cà chua
Đặt nồi lẩu lên bếp, đổ dầu vào nồi đợi đến khi dầu nóng. Cho vào nồi 1 muỗng hành và 1 muỗng tỏi đã xay. Đảo đều đến khi hành và tỏi chuyển màu vàng và có mùi thơm. Thêm cà chua đã chuẩn bị sẵn vào chảo. Xào khoảng 2 phút cho cà chua chín mềm và ra nước. Thêm gia vị phù hợp với khẩu phần của bạn, 2 nhánh sả đã đập dập vào nồi. Xào đều tay để hỗn hợp thấm gia vị và sả dậy mùi thơm.
Kết hợp nước cua với nước xương hầm
Đổ nước hầm xương và nước cua đã lọc vào nồi lẩu. Cho vào nồi 2 muỗng canh hạt nêm và 1 muỗng cà phê muối. Khuấy đều để gia vị tan hết vào nước. Thêm phần gạch cua đã chuẩn bị vào nồi. Khuấy nhẹ nhàng để gạch cua hòa với nước dùng. Đợi cho nước sôi, nêm nếm thêm gia vị để phù hợp với khẩu vị của gia đình bạn. Chú ý nấu trên lửa vừa để nước dùng không bị đục. Điều này còn giúp giữ được hương vị thơm ngon của các nguyên liệu.
Thưởng thức lẩu cua
Thưởng thức lẩu cua
Trình bày nồi lẩu và các món ăn nhúng lẩu lên mâm. Hãy cùng gia đình thưởng thức hương vị của món lẩu cua. Nước lẩu cua nóng hổi ngọt thanh làm gia tăng hương vị của những món ăn kèm. Lẩu cua đồng có thể ăn kèm với bún hoặc mì tươi đều vô cùng hấp dẫn.
Một số loại thực phẩm không nên kết hợp với lẩu cua
Những thực phẩm đại kỵ với lẩu cua
Nước trà
Khi thưởng thức cua đồng, bạn không nên uống nước trà trước và sau ăn khoảng 1 tiếng. Bởi vì trong nước trà có thành phần làm cua đóng đặc lại. Điều đó dẫn đến hiện tượng đầy bụng, khó tiêu và nguy hiểm hơn là tiêu chảy.
Khoai lang, khoai tây
Trong khoai tây, khoai lang có chứa lượng lớn axit phytic và trong cua đồng thì chứa nhiều canxi. Hai chất này khi vào cơ thể kết hợp với nhau tạo thành muối. Điều này làm cho cơ thể không thể hấp thụ canxi và đào thải muối qua hệ bài tiết. Dẫn đến cơ thể thiếu hụt muối và canxi.
Cần tây
Cần tây khi kết hợp với cua sẽ sinh ra các chất cản trở cơ thể hấp thụ chất đạm. Dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng và không tốt cho sức khỏe.
Mật ong
Khi kết hợp mật ong và cua đồng sẽ tạo ra các phản ứng kích thích hệ tiêu hóa. Dẫn đến các vấn đề tiêu chảy hoặc ngộ độc thực phẩm.
Các loại quả giàu vitamin C
Các loại hoa quả chứa hàm lượng chất axit tanic cao như cam, hồng,… Khi kết hợp với các chất có trong cua sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa. Những loại quả như cam chanh khi kết hợp với các chất có trong cua gây tụ đờm, ngưng khí không tốt cho hệ hô hấp.
Thức ăn lạnh
Kem, đá,… là những thức ăn khi kết hợp với cua sẽ gây lạnh bụng. Dạ dày và ruột sẽ bị kích thích, làm cho quá trình tiêu hóa bị rối loạn. Điều đó gây ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa dễ dẫn đến tiêu chảy.
Mẹo mua được cua đồng tươi ngon
Mẹo mua cua đồng tươi ngon
- Cua đồng có mai bóng, màu vàng óng thường là những con cua cái nhiều gạch, rất chắc thịt. Vì vậy, những con cua này sẽ có hương vị đậm đà hơn làm cho nồi lẩu cua trở nên ngon hơn.
- Cua có càng nhỏ thì thịt cua sẽ chắc và khỏe. Những con cua càng to thì thịt sẽ không săn chắc nên sẽ có thể làm giảm đi hương vị thơm ngon của thịt cua.
- Mùa hè là thời điểm thịt cua ngon và nhiều gạch nhất. Điều đó góp phần làm cho hương vị của lẩu cua ngon hơn.
Chúc bạn thành công với món lẩu cua đồng thơm ngon, bổ dưỡng theo công thức này! Lẩu cua đồng không chỉ là một món ăn ngon miệng mà còn mang lại giá trị dinh dưỡng cao, giúp thanh nhiệt cơ thể và cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết.
Xem thêm: 3 cách nấu lẩu cua đồng đơn giản tại nhà mà vẫn thơm ngon chuẩn vị